Đúng 6 giờ 15 sáng ngày 27-1 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Quý Mão), lễ hội Gióng tại Sóc Sơn đã chính thức khai mạc. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất của Thành phố Hà Nội dịp đầu Xuân. Dự khai hội có Thành uỷ viên, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Ngô Tuấn Anh; Bí thư Huyện ủy Bùi Duy Cường; Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Nam Hà; Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Minh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy; lãnh đạo các phòng, ban ngành, đoàn thể của huyện và đông đảo du khách thập phương.
Ông Nguyễn Nam Nho, Giám đốc Trung tâm Quản lý khu du lịch - di tích Đền Sóc cho biết: sau ba năm ảnh hưởng bởi dịch, bệnh Covid-19, lễ hội năm 2023 đã được tổ chức trở lại với quy mô và nghi thức truyền thống vốn có. So với các năm trước đây, phần lễ cơ bản vẫn được giữ nguyên. Theo đó, sau lễ dâng hương, đánh trống khai hội là phần lễ rước 8 vật phẩm tiến cung của các thôn làng gồm: Giò hoa tre của thôn Vệ Linh, Ngựa chiến của thôn Phù Mã (xã Phù Linh); Voi chiến của thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược; Ngà Voi của thôn Đức Hậu, xã Đức Hoà; Cỏ voi của thôn Yên Sào, xã Xuân Giang; Trầu cau của thôn Đan Tảo, Cầu húc của thôn Xuân Dục, xã Tân Minh; rước Tướng của thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú.
Điểm nổi bật tại lễ hội năm nay, đó là Ban tổ chức tập trung vào phần hội với nhiều nét mới. Các trò chơi dân gian tiếp tục được duy trì như: Đi cà kheo, cầu thăng bằng, đập niêu đất, thi nấu cơm…Lễ hội Đền Sóc 2023 sẽ là lần đầu tiên nghi thức Kéo Mỏ (xã Xuân Thu) được trình diễn và thi Húc Cầu (xã Tân Minh) được đưa vào nội dung thi đấu. Bên cạnh đó, ở nội dung Vật cổ truyền cũng có sự thay đổi về phương thức tổ chức, thay vì thành lập Đội đăng ký từ đầu thì năm nay du khách thập phương có thể đến đăng ký tại khu vực của Ban tổ chức để tham gia thi đấu, góp phần tạo nên một sân chơi mở và đa dạng cho tất cả người dân. Ngoài ra, khi đến với lễ hội năm nay, du khách cũng sẽ có thêm những trải nghiệm độc đáo tại Khu thực hành văn hoá Gióng với những hoạt động thú vị như làm cơm nắm muối vừng, têm trầu cánh phượng, làm cà muối, làm giò hoa tre.
Ông Tống Giang Phúc - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng VH&TT huyện Sóc Sơn cho biết, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão và 3 ngày diễn ra lễ hội chính thức, ước tính có khoảng 2 vạn du khách đã đến với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Sóc. Theo đánh giá, lễ hội năm nay diễn ra theo đúng kịch bản, đảm bảo trang trọng, an toàn, văn minh, phát huy giá trị lễ hội. Bên cạnh đó, ý thức của du khách được nâng lên; an ninh trật tự, ATGT, vệ sinh môi trường được đảm bảo tốt.
Lễ hội Đền Sóc diễn ra trong 3 ngày từ mùng 6 đến mùng 8 tháng giêng hàng năm và đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2010. Lễ hội đã trở thành sự kiện quan trọng, nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hoá, tâm linh của người dân. Không chỉ vậy, lễ hội Đền Sóc hàng năm còn hướng đến bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá phi vật thể độc đáo của Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc. Đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của huyện Sóc Sơn nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch trong thời gian tới. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Một số hình ảnh tại Lễ khai hội Đền Sóc