1. Tại sao nguy cơ mắc bệnh gia tăng khi thời tiết nồm ẩm?
Sau Tết - cuối Xuân, đặc trưng của thời tiết miền Bắc thường là mưa phùn, nồm ẩm, khiến độ ẩm không khí tăng cao. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, tính chất nồm ẩm của thời tiết chính là điều kiện thuận lợi để bùng phát nhiều tác nhân gây bệnh nguy hiểm cho sức khỏe.
Độ ẩm không khí tăng cao làm tích tụ hơi nước trên các bề mặt, đồ dùng. Đây chính môi trường để các loại nấm mốc, virus, vi khuẩn phát triển. Bào tử nấm có thể phát triển và gây nên viêm kết mạc mùa xuân. Mặt khác, các loại nấm mốc lơ lửng trong không khí sẽ bám vào đồ dùng hàng ngày từ đó tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, bộc phát hen suyễn.
Virus Polinosa morbillarum và Varicella Zoster có cơ hội phát triển. Trong đó, virus Polinosa morbillarum là nguyên nhân làm gia tăng số ca mắc bệnh sốt phát ban trong thời tiết nồm ẩm; virus Varicella Zoster là tác nhân bùng phát bệnh thuỷ đậu.
Mưa nhiều cộng với thời tiết ẩm ướt khiến cho nấm mốc, vi khuẩn có điều kiện lưu trú tốt trong các loại thực phẩm. Nếu được bảo quản không tốt, chúng sẽ tăng sinh trong thức ăn. Điều này kết hợp với khâu chế biến không đúng cách, không đảm bảo vệ sinh sẽ sản sinh độc tố, gây nên các bệnh đường tiêu hóa và ngộ độc thực phẩm.
Thay đổi thời tiết thường xuyên, đột ngột và lạnh ẩm kéo dài dễ bùng phát các bệnh lý suy hô hấp, viêm phổi cấp, cúm mùa nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt, trẻ em và người cao tuổi, người có bệnh lý nền là nhóm có hệ miễn dịch kém nên rất dễ mắc các bệnh lý này.
Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của các chất dị ứng bên ngoài môi trường sống trong thời tiết nồm ẩm cũng làm gia tăng tình trạng ngứa, phát ban, sưng phồng trên da, nổi mề đay,... Nền nhà ẩm thấp, trơn ướt trong thời tiết nồm ẩm còn gây nên tâm lý khó chịu, bức bối, ăn ngủ kém, dễ gây chấn thương do trượt ngã,...
Tất cả những yếu tố trên đây chính là nguy cơ khiến cho tỷ lệ người mắc các bệnh lý khác nhau trong thời tiết nồm ẩm ở miền Bắc tăng lên nhanh chóng.
2. Các bệnh thường gặp khi nồm ẩm và cách phòng ngừa
2.1. Các loại bệnh thường gặp khi thời tiết nồm ẩm
2.1.1. Viêm phổi
Đây chính là một trong các bệnh thường gặp khi nồm ẩm do tác nhân từ nấm mốc, vi khuẩn, virus trong môi trường sống. Tình trạng viêm nhiễm ở các đường dẫn khí, phế nang trong phổi làm xuất hiện triệu chứng: khó thở, ho có đờm, sốt,... với các mức độ khác nhau.
Bệnh lý này đặc biệt nguy hiểm với trẻ em và người ở độ tuổi trên 65. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, có những trường hợp sẽ bị đe dọa đến tính mạng.
2.1.2. Hen phế quản
Hen phế quản (hen suyễn) phát sinh trong thời tiết nồm ẩm là do sự phát triển của các loại vi khuẩn, bụi bẩn, phấn hoa,... Khi những tác nhân này tấn công cơ thể, hệ miễn dịch sẽ phản ứng quá mức làm cho các đường dẫn khí trong phổi bị co thắt, viêm nhiễm và sinh ra triệu chứng tức ngực, ho khan, khó thở,...
2.1.3. Viêm mũi dị ứng
Vào những ngày nồm ẩm, độ ẩm không khí tăng lên, các tác nhân gây dị ứng như nấm mốc, phấn hoa, virus, vi khuẩn,... cũng tăng sinh. Khi tiếp xúc với các yếu tố này, mũi có thể phản ứng quá mức và sinh ra viêm mũi dị ứng với các triệu chứng: ngứa mắt và mũi, chảy nước mũi, sưng mũi, ho, hắt hơi, ngạt mũi, sưng và đỏ mắt,...
2.1.4. Viêm phế quản
Viêm phế quản cũng là nhóm các bệnh thường gặp khi nồm ẩm vì điều kiện thời tiết này thuận lợi cho sự phát tán của vi nấm hoặc các loại virus như: corona, parainfluenza, RS, herpes,...
Bệnh lý này dễ gặp phải ở trẻ em vì hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu. Triệu chứng phổ biến của bệnh gồm: đau ngực, đau họng, ho có đờm hoặc ho khan, sổ mũi, hắt hơi, đau đầu, sốt,...
2.1.5. Cảm cúm
Cảm cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus gây ra, đặc biệt phổ biến trong những ngày thời tiết nồm hoặc lạnh kéo dài. Khi thời tiết nồm ẩm, virus cúm dễ có điều kiện tồn tại lâu hơn trên các bề mặt và lây lan nhanh chóng.
Người bị bệnh cúm thường có triệu chứng: đau đầu, ớn lạnh, sốt, ho, nhức mỏi, đau họng, ngạt mũi, chảy nước mũi,... Bệnh có thể tự khỏi nhưng cũng có trường hợp biến chứng do điều trị không đúng cách.
2.1.6. Thủy đậu
Varicella Zoster là virus gây ra bệnh thủy đậu với đặc trưng là các nốt mụn nước với kích thước khác nhau trên toàn thân và cảm giác ngứa ngáy. Các bệnh thường gặp khi nồm ẩm không thể thiếu thủy đậu vì virus gây bệnh rất dễ sinh sôi, phát triển trong điều kiện thời tiết này.
Thủy đậu nếu không được điều trị đúng cách rất dễ bị nhiễm trùng gây biến chứng viêm phổi, viêm màng não,...
2.1.7. Bệnh ngoài da
Khi trời nồm da thường ẩm ướt và tăng tiết dầu. Thêm vào đó, sự tăng lên của độ ẩm trong không khí cũng khiến cho các loại vi nấm, vi khuẩn phát triển. Sự kết hợp của các yếu tố này là nguyên nhân nhiều người bị dị ứng, mụn bọc, mụn trứng cá,...
2.1.8. Tiêu chảy cấp
Virus Rota là tác nhân gây nên tiêu chảy cấp, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Vào những ngày nồm ẩm, các vật dụng dễ bị ẩm ướt, nấm mốc phát sinh, vi khuẩn phát triển. Nếu vệ sinh môi trường sống, bề mặt vật dụng chứa đồ ăn không sạch sẽ thì khi ăn rất dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công gây tiêu chảy cấp.
2.2. Phương pháp bảo vệ sức khỏe khi trời nồm ẩm
Các bệnh thường gặp khi nồm ẩm dễ bùng phát nguyên nhân chính là do điều kiện thời tiết ẩm ướt tạo cơ hội cho nhiều loại mầm bệnh phát triển. Để giảm nguy cơ mắc bệnh trong thời tiết này, các biện pháp phòng ngừa được khuyến nghị gồm:
- Chú ý lau chùi thường xuyên các bề mặt dễ đọng nước để không tạo môi trường cho vi nấm, vi khuẩn,... sinh sống.
- Thường xuyên thay chăn ga, rèm cửa, loại bỏ thảm trải sàn và vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.
- Đóng cửa sổ để giảm thiểu khí ẩm bên ngoài vào trong nhà.
- Nên dùng máy hút ẩm hoặc để điều hòa ở chế độ khô kết hợp duy trì độ ẩm không khí trong khoảng 40 - 60%.
- Tập luyện tập thể dục đều đặn mỗi ngày để nâng cao sức kháng.
- Luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài, nhất là ở những nơi đông người.
- Bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng vào thực đơn hàng ngày.
- Ăn đồ chín, tuyệt đối không ăn đồ ôi thiu hay bị mốc để tránh nguy cơ bị mắc bệnh đường tiêu hóa. Khi chế biến đồ ăn cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Nếu có bệnh mạn tính cần duy trì đơn thuốc và thực hiện tốt các khuyến cáo chăm sóc sức khỏe từ bác sĩ.
- Luôn giữ ấm cơ thể và hạn chế để người bị ướt khi trời mưa.
Thời tiết nồm ẩm là đặc trưng không thể thay đổi ở khí hậu miền Bắc vào cuối Xuân. Tuy nhiên, bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa; thăm khám bác sĩ chuyên khoa khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh, mỗi cá nhân sẽ chủ động bảo vệ được bản thân và gia đình trước nguy cơ từ các bệnh thường gặp khi nồm ẩm.